ESG là gì? Tại sao ESG lại trở thành một xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp? Và ESG mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp? Đó là những nội dung sẽ được đề cập trong bài viết này.
ESG là gì?
ESG là viết tắt của ba từ “Environmental” (Môi trường), “Social” (Xã hội), và “Governance” (Quản trị).
Đây là khung đánh giá sự thành công của một doanh nghiệp không chỉ dựa trên kết quả tài chính mà còn dựa trên các hoạt động liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị công ty. ESG bao gồm các tiêu chuẩn cụ thể như sau
E - Environment: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, như: tác động từ biến đổi khí hậu và phát thải carbon, quản lý nước và chất thải gây ô nhiễm, khai thác tài nguyên từ rừng,…
S - Social: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến toàn xã hội, từ các vấn đề cơ bản như sự hài lòng của khách hàng đến những vấn đề có tính tổng thể như tính đa dạng, công bằng và hòa nhập, quyền riêng tư, an ninh và bảo mật dữ liệu, quan hệ cộng đồng,…
G - Governance: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động của tổ chức như vấn đề liên quan đến quản trị công ty, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…
Lịch sử hình thành của ESG
Các vấn đề về ESG lần đầu tiên được đề cập trong báo cáo Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) của Liên hợp quốc năm 2006. Tuy nhiên, ESG chưa được quan tâm rộng rãi trong thời gian đó. Mãi đến năm 2015, khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết, các doanh nghiệp bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào các hoạt động bền vững. Điều này đã đẩy mạnh sự phát triển của ESG.
Hiện nay, ESG đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc quản trị doanh nghiệp. Các công ty lớn trên thế giới đều đã bắt đầu đưa ESG vào chiến lược kinh doanh của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, việc đầu tư vào các hoạt động bền vững trở nên càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Một số lợi ích của việc ứng dụng ESG trong doanh nghiệp
Tăng cường danh tiếng và hình ảnh của doanh nghiệp: Áp dụng các tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp xây dựng một hình ảnh đáng tin cậy trong mắt khách hàng và cộng đồng. Khách hàng ngày càng có xu hướng mua sắm từ những doanh nghiệp tôn trọng và chịu trách nhiệm đối với môi trường và xã hội. Những doanh nghiệp có chính sách ESG tốt sẽ tạo được lòng tin và sự ủng hộ của khách hàng. Theo Khảo sát thế hệ Millennial và Gen Z năm 2021 trên toàn cầu của Deloitte, thế hệ trong độ tuổi từ 18-34 tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp và chính phủ cam kết thay đổi tích cực cho xã hội, đặt con người và trái đất lên trên lợi nhuận. Điều này cũng là một yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp với các nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng mục tiêu và công chúng.
Tăng cường sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp: Thực hiện ESG cũng giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng quản trị và cạnh tranh trên thị trường. Với nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm và dịch vụ bền vững, các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ESG sẽ có cơ hội định hướng phát triển sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và xã hội. Ngoài ra, việc chú trọng đến các yếu tố ESG giúp tăng cường quản lý rủi ro , tạo ra các chính sách bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhờ đó giúp doanh nghiệp gia tăng độ cạnh tranh và phát triển bền vững.
Thu hút được những nhà đầu tư tiên tiến. Theo một nghiên cứu của Capital Group năm 2022, khoảng 89% nhà đầu tư xem xét ESG dưới một số hình thức là một phần trong các yếu tố đánh giá cơ hội đầu tư. Con số này tăng từ 84% vào năm 2021. Trong bối cảnh môi trường đầu tư ngày càng khắt khe hơn, các nhà đầu tư thực sự quan tâm đến các doanh nghiệp có chiến lược bền vững, có tầm nhìn xa và thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn ESG. Việc đầu tư vào những doanh nghiệp này không chỉ đảm bảo sinh lời cho nhà đầu tư mà còn đóng góp vào việc xây dựng một thế giới bền vững.
Xây dựng đội ngũ nhân viên trung thành và hiệu quả: Theo một khảo sát của Deloitte năm 2021, 30% người được hỏi cho biết họ sẽ cân nhắc chuyển việc sang một công ty bền vững hơn. Thực hành ESG còn giúp doanh nghiệp tăng cường quan hệ lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân viên. Việc tôn trọng quyền lợi của lao động, tạo ra môi trường làm việc tốt và đảm bảo an toàn cho nhân viên không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân được nhân tài mà còn xây dựng đội ngũ nhân sự trung thành, góp phần ổn định tổ chức và làm việc hiệu quả!
Nguồn: https://esg.business.gov.vn/library/detail/9