cskh@atld.vn 0917267397
PCCC: Bọt chữa cháy và sự ảnh hưởng đến môi trường

Các bọt chữa cháy hiện đang sử dụng có hiệu quả cao trong việc dập tắt các đám cháy, tuy nhiên chúng có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh.

Vào đầu những năm 1960, lực lượng hải quân Mỹ đã phối hợp với công ty 3M để phát triển một loại bọt có thể chữa các đám cháy nhiên liệu xăng dầu trên các con tàu của họ. Nhờ vậy vào năm 1966, lực lượng hải quân Mỹ đã được nhận bằng sáng chế cho loại bọt chữa cháy chúng ta vẫn đang sử dụng ngày nay gọi là bọt AFFF.

Tuy nhiên đến những năm 1970, các nhà khoa học và chuyên gia y tế đã đưa ra những lo ngại về tác hại của thành phần có trong bọt chữa cháy AFFF, được gọi là per- và polyfluoroalkyl, hay còn gọi là PFAS. Ước tính có khoảng 9000 loại hợp chất PFAS khác nhau, tồn tại không chỉ trong bọt chữa cháy AFFF mà còn tìm thấy dễ dàng trong đời sống hàng ngày như trong các vỏ, hộp đựng thức ăn… PFAS là các hợp chất có thành phần liên kết giữa chuỗi cácbon và flo. Đây là loại liên kết hóa học mạnh hơn bất kì liên kết nào trong tự nhiên, do đó chúng không bị phá vỡ trong môi trường cũng như trong cơ thể con người hay cơ thể động vật. Vì vậy, chúng còn được mô tả là loại hóa chất vĩnh viễn. Các loại hóa chất này tăng nguy cơ ung thư và các bệnh khác như tăng cholesterol, bệnh tuyến giáp, tổn thương gan và thận, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, sinh con nhẹ cân và ức chế miễn dịch.

Thực tế cho thấy bọt chữa cháy sau khi sử dụng không được xử lí hay thu hồi (trong quá trình huấn luyện, chữa cháy, hay thau rửa dụng cụ, phương tiện chữa cháy). Qua các cuộc khảo sát và nghiên cứu đã chỉ ra các con số đáng quan tâm: Tính đến tháng 10/2021, đã có 2.800 địa điểm ở 50 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ bị ô nhiễm PFAS; Khoảng 4% trong số các hệ thống nước công cộng của Hoa Kỳ có phát hiện nhiễm PFAS theo khảo sát từ năm 2013 đến năm 2015; có 98% trong mẫu huyết thanh của 2.100 người ở khắp nước Mỹ được phát hiện có PFAS vào năm 2007.

Rõ ràng trong thời gian qua, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, vấn đề ảnh hưởng của bọt AFFF đến sức khỏe và môi trường chưa được quan tâm. Những người lính chữa cháy lâu năm cũng trả lời trong các cuộc phỏng vấn rằng họ thực sự chưa nhận được những lời cảnh báo về ảnh hưởng của bọt AFFF đến sức khỏe của bản thân, do đó gần như không hề có ý thức cũng như trang bị bảo hộ trong quá trình sử dụng bọt trong chữa cháy, luyện tập… Vì vậy, đã đến lúc phải đưa ra các giải pháp hạn chế, thay thế nhằm làm giảm sự ảnh hưởng của bọt chữa cháy đến môi trường và sức khỏe con người.

Bọt chữa cháy công nghệ mới không gây ảnh hưởng đến môi trường đã đạt được những bước tiến mới có thể thay thế bọt chữa cháy AFFF. Tuy nhiên cần thời gian và những việc làm đồng bộ khi triển khai.

Bọt AFFF có chứa flo nên có hai cơ chế để dập tắt đám cháy: Một là, khi kết hợp nước với chất tạo bọt AFFF từ 3-6 % sẽ tạo ra hỗn hợp sủi bọt với hàng tỷ bong bóng nhỏ, đủ nhẹ để phủ lên bề mặt của nhiên liệu đang cháy và cách ly với nguồn oxy trong không khí; Hai là, flo cũng có chứa một điện tích đủ để đẩy nhiên liệu tạo ra một lớp màng cực nhỏ giữa các bong bóng và bề mặt của nhiên liệu, nó giúp giữ lại hơi nhiên liệu và một phần làm mát nhiên liệu.

Qua hơn một thập kỷ, các nhà khoa học đã nghiên cứu các sản phẩm bọt để thay thế AFFF, được công bố là không có flo (thành phần quan trọng trong bọt AFFF và là nguồn tạo ra PFAS). Những sản phẩm bọt không chứa flo này không tạo màng trên nhiên liệu. Chúng hoạt động đơn giản bằng cách cung cấp một rào cản vật lý gồm các bong bóng chứa hơi nhiên liệu và ngăn không cho chúng tiếp xúc với oxy. Do không tạo được lớp màng điện tích nên dung dịch bọt dễ dàng bị chìm xuống bên dưới lớp nhiên liệu và làm tan đi lớp bong bóng bọt.

Để đánh giá hiệu quả hoạt động của các loại bọt mới, người ta đã thực hiện các buổi thử nghiệm dập tắt đám cháy. Trong quá trình thử nghiệm đã rút ra được một số khác biệt so với bọt AFFF: Quá trình dập tắt đám cháy của bọt, trên bề mặt đám cháy đã có những khu vực bọt bị tan ra và đám cháy phát triển trở lại ở nhũng khu vực đó; Lượng bọt và thời gian dập tắt đám cháy bằng các loại bọt mới có thể cần đến gấp đôi so với bọt AFFF.

Từ những đặc điểm kém ưu thế hơn của bọt công nghệ mới so với AFFF trong dập tắt đám cháy đã đặt ra câu hỏi liệu có thực sự an toàn khi trang bị cho các khu vực yêu cầu bảo đảm an toàn cao như khu quân sự, sân bay, kho xăng dầu… hay không. Để nâng cao hiệu quả chữa cháy cho các loại bọt này, các tổ chức đã không ngừng nghiên cứu và đưa ra nhiều sản phẩm, cho đến nay đã có một nửa trên tổng số khoảng 70 loại bọt công nghệ mới trên thị trường đạt được yêu cầu kiểm định nghiêm ngặt của những tổ chức có uy tín như UL. Tại Hoa Kỳ, vào năm 2019 Quốc hội đã thông qua đạo luật, yêu cầu Hải quân thực hiện chuyển đổi hoàn toàn sang bọt không chứa flo chậm nhất đến tháng 10 năm 2024. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang loại bọt mới cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp phù hợp với loại bọt mới để nâng cao hiệu quả dập tắt đám cháy như: Huấn luyện kỹ chiến thuật chữa cháy; chuyển đổi trang thiết bị…

Ở Việt Nam hiện nay gần như chưa có sự tiếp cận với các loại bọt công nghệ mới, do đó việc chuyển đổi sang các loại bọt này để bảo vệ môi trường chỉ đang ở mức tiếp nhận và cảnh báo thông tin. Đồng thời khi chuyển đổi ở các quốc gia chưa phát triển phải cân nhắc đến hiệu quả về kinh tế - xã hội - môi trường vẫn là bài toán khó lựa chọn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này vẫn phải được tính đến ngay từ bây giờ để tránh lãng phí trong quá trình đầu tư trong tương lai và trong quá trình giải quyết hậu quả để lại của lượng AFFF đang sử dụng trong các cơ sở.

Nguyễn Thanh Tuấn

Nguồn tài liệu tham khảo: www.nfpa.org

Nguyễn Thanh Tuấn