cskh@atld.vn 0917267397
TCVN 13967:2024 Nhà ở riêng lẻ – Yêu cầu chung về thiết kế

TCVN 13967:2024

Nhà ở riêng lẻ – Yêu cầu chung về thiết kế

Single dwelling – General design requirements

 

1. Phạm vi áp dụng

1.1 Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật chung trong thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở riêng lẻ.

CHÚ THÍCH: Khi thiết kế, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở riêng lẻ theo kiến trúc dân gian, truyền thống có thể tham khảo tiêu chuẩn này.

1.2 Ngoài các yêu cầu tại tiêu chuẩn này, đối với nhà ở liền kề có thể tham khảo thêm các yêu cầu tại TCVN 9411.

1.3 Điều 9 áp dụng cho: nhà ở riêng lẻ chỉ sử dụng cho mục đích để ở, nhà ở riêng lẻ nằm trong khu vực hiện hữu có kết hợp các mục đích sử dụng khác và nhà ở riêng lẻ nằm trong khu vực hiện hữu được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác có quy mô thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

– Có chiều cao dưới 7 tầng (hoặc có chiều cao PCCC dưới 25 m);

– Có khối tích dưới 5 000 m3;

– Có 1 tầng hầm hoặc 1 tầng nửa/bán hầm.

CHÚ THÍCH 1: Trong tiêu chuẩn này: Nhà ở riêng lẻ được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác được hiểu là nhà ở riêng lẻ có một phần hoặc toàn bộ diện tích sàn xây dựng của nhà ở được sử dụng cho công năng khác theo pháp luật về nhà ở; Nhà ở riêng lẻ nằm trong khu vực hiện hữu được hiểu là nhà ở riêng lẻ không nằm trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị.

CHÚ THÍCH 2: Đối với các nhà (biệt thự du lịch; nhà thương mại liên kế; căn hộ lưu trú; văn phòng kết hợp lưu trú; các nhà đứng độc lập, trừ các nhà thuộc nhóm F1.4 và nhóm F5 theo Phụ lục A) có chiều cao dưới 7 tầng, chiều cao PCCC dưới 25 m, khối tích dưới 5 000 m3 và có tối đa 1 tầng hầm (hoặc 1 tầng nửa hầm và không bao gồm tầng hầm) có thể tham khảo các yêu cầu về an toàn cháy tại Điều 9 của tiêu chuẩn này.

CHÚ THÍCH 3: Một số minh họa về cách xác định chiều cao PCCC của nhà xem Hình A.1 đến Hình A.8, Phụ lục A.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu.

Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- TCVN 3890, Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí;

- TCVN 4474,Thoát nước bên trong – Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 4513, Cấp nước bên trong – Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 5573, Thiết kế kết cấu khối xây;

- TCVN 5574, Thiết kế kết cấu bê tông và bê tông cốt thép;

- TCVN 5575, Thiết kế kết cấu thép;

- TCVN 5593, Công tác thi công tòa nhà – Sai số hình học cho phép;

- TCVN 5671, Hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng – Hồ sơ thiết kế kiến trúc;

- TCVN 5674, Công tác hoàn thiện trong xây dựng -Thi công và nghiệm thu;

- TCVN 5687,Thông gió, điều hoà không khí – Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 5738, Phòng cháy chữa cháy – Hệ thống báo cháy tự động – Yêu cầu kỹ thuật;

- TCVN 6396, Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy – Thang máy chở người và hàng;

- TCVN 7447, Hệ thống lắp đặt điện hạ áp;

- TCVN 7628, Lắp đặt thang máy;

- TCVN 7958, Bảo vệ công trình xây dựng – Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới;

- TCVN 9255, Tiêu chuẩn tính năng trong tòa nhà – Định nghĩa, phương pháp tính các chỉ số diện tích và không gian;

- TCVN 9359, Nền nhà chống nồm – Thiết kế và thi công;

- TCVN 9362, Tiêu chuẩn thiết kế nền nhà và công trình;

- TCVN 9411, Nhà ở liên kế – Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 9888, Bảo vệ chống sét;

- TCVN 10304, Móng cọc – Tiêu Chuẩn thiết kế;

- TCVN 13926, Phòng cháy chữa cháy – Hệ thống chữa cháy đóng gói (paCkage).

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này, sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa trong [6] và các thuật ngữ, định nghĩa sau:

3.1

Ban công (balcony)

Phần sàn có lối ra, nằm ngoài tường bao của nhà, có lan can bao quanh (tham khảo Hình A.31, Phụ lục A).

3.2

Chỉ giới đường đỏ (red boundary line)

Đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.

[QCVN 01:2021/BXD, 1.4.22]

3.3

Chỉ giới xây dựng (construction boundary line)

Đường giới hạn cho phép xây dựng công trình chính trên thửa đất. [QCVN 01:2021/BXD, 1.4.23]

3.4

Chiều cao nhà (height of building)

Chiều cao tính từ cao độ mặt đất đặt nhà theo quy hoạch được duyệt tới điểm cao nhất của nhà (kể cả mái tum hoặc mái dốc). Đối với nhà có các cao độ mặt đất khác nhau thì chiều cao nhà tính từ cao độ mặt đất thấp nhất theo quy hoạch được duyệt.

CHÚ THÍCH: Các thiết bị kỹ thuật trên mái: cột ăng ten, cột thu sét, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, bể nước kim loại, ống khói, ống thông hơi, chi tiết kiến trúc trang trí thì không tính vào chiều cao nhà.

3.5

Chiều cao phòng cháy chữa cháy (chiều cao PCCC) (height for fire prevention and fighting)

Chiều cao PCCC của nhà (không tính tầng kỹ thuật trên cùng) được xác định như sau (tham khảo Hình A.1, Hình A.2, Phụ lục A):

Bằng khoảng cách lớn nhất tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép dưới của lỗ cửa (cửa sổ) mở trên tường ngoài của tầng trên cùng;

Bằng một nửa tổng khoảng cách tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mặt sàn và đến trần của tầng trên cùng – khi không có lỗ cửa (cửa sổ).

CHÚ THÍCH 1: Khi mái nhà được khai thác sử dụng thì chiều cao PCCC của nhà được xác định bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên tường bao của mái.

CHÚ THÍCH 2: Khi xác định chiều cao PCCC thì mái nhà không được tính là có khai thác sử dụng nếu con người không có mặt thường xuyên trên mái.

CHÚ THÍCH 3: Khi có kết cấu bao che hoặc lan can của ban công, lô gia hoặc cửa sổ thì chiều cao PCCC được tính bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên của kết cấu bao che hoặc lan can đó.

CHÚ THÍCH 4: Trong trường hợp các mặt đường tiếp cận nhà có cao độ khác nhau thì nhà có thể có các chiều cao PCCC khác nhau tùy thuộc vào phương án thiết kế an toàn cháy cụ thể.

[QCVN 06:2022/BXD,1.4.9 và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD]

3.6

Chiều cao tầng (height of floor)

Khoảng cách giữa hai sàn nhà, được tính từ mặt sàn tầng dưới đến mặt sàn tầng trên kế tiếp.

3.7

Chiều cao thông thủy của tầng (clear height of floor)

Chiều cao từ mặt sàn hoàn thiện đến mặt dưới của kết cấu dầm, sàn hoặc trần đã hoàn thiện hoặc hệ thống kỹ thuật của tầng.

3.8

Diện tích sàn của tầng (floor area)

Diện tích sàn xây dựng của tầng đó, gồm cả tường bao (hoặc phần tường chung thuộc về nhà) và diện tích mặt bằng của lô gia, ban công, cầu thang, giếng thang máy, hộp kỹ thuật, ống khói.

CHÚ THÍCH 1: Diện tích sàn của tầng hầm, tầng nửa hầm: được đo từ mép ngoài tường xây của tầng hầm, tầng nửa hầm bao gồm cả phần diện tích đường dốc nằm ngoài tường bao của tầng hầm (nếu có).

CHÚ THÍCH 2: Diện tích sàn của tầng một/trệt: được đo từ mép ngoài tường xây (không bao gồm cổ móng) hoặc tính từ tim tường ngăn chia các nhà bao gồm cả diện tích ban công, lô gia (nếu có) và phần sân, hiên (có mái che) thuộc phạm vi xây dựng của tầng một/trệt; Diện tích sàn từ tầng hai trở lên (bao gồm cả diện tích tầng tum, tầng áp mái): được đo từ mép ngoài của tường xây hoặc tính từ tim tường ngăn chia các nhà ở bao gồm cả diện tích ban công, lô gia (nếu có) và phần sân hoặc hiên có mái che (chỉ tính khi mái che liền tầng hoặc mái đua, sê nô, diềm mái của tầng áp mái nằm liền ngay phía trên của phần sân, hiên đó).

CHÚ THÍCH 3: Diện tích lỗ thang được tính vào diện tích sàn xây dựng; diện tích lỗ thông tầng không tính vào diện tích sàn xây dựng.

3.9

Diện tích sử dụng (usable area)

Diện tích sàn được tính theo kích thước thông thủy: bao gồm diện tích sàn có kể đến tường/vách ngăn các phòng bên trong nhà, diện tích ban công, lô gia; Không bao gồm diện tích phần sàn có cột/vách chịu lực, có hộp kỹ thuật nằm bên trong nhà và diện tích tường bao.

3.10

Đường thoát nạn (escape route)

Đường di chuyển của người, dẫn trực tiếp ra ngoài hoặc dẫn vào vùng an toàn, tầng lánh nạn, gian lánh nạn và đáp ứng các yêu cầu thoát nạn an toàn của người khi có cháy.

[QCVN 06:2022/BXD, 1.4.16]

3.11

Hành lang (corridor)

Không gian dành cho việc giao thông dẫn tới các phòng/không gian khác.

3.12

Hành lang ngoài/hành lang bên (external corridor)

Không gian dành cho việc giao thông dẫn tới các phòng/không gian khác và có ít nhất một mặt tiếp xúc với không gian bên ngoài.

3.13

Hệ số sử dụng đất (floor area ratio)

Tỷ lệ của tổng diện tích sàn của công trình gồm cả tầng hầm hoặc tầng nửa/bán hầm (trừ các diện tích sàn phục vụ cho hệ thống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, gian lánh nạn và đỗ xe của công trình) trên tổng diện tích lô đất.

3.14

Hệ thống báo cháy tự động (automatic fire alarm system) Hệ thống tự động phát hiện và thông báo địa điểm cháy.

3.15

Khoảng lùi (setback space)

Khoảng không gian giữa chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng. [QCVN 01:2021/BXD, 1.4.24]

3.16

Kích thước thông thuỷ (clearance area)

Kích thước thông thủy là kích thước được đo đến mép trong của lớp hoàn thiện tường/vách/đố kính/lan can sát mặt sàn (không bao gồm các chi tiết trang trí nội thất như ốp chân tường/gờ/phào, v.v.). Đối với ban công, lô gia thì tính toán toàn bộ diện tích sàn, trường hợp có mép tường chung thì tính theo mép trong của tường chung.

3.17

Lô đất (plot of land)

Bao gồm một hoặc nhiều thửa đất liền kề có chức năng sử dụng đất giống nhau được giới hạn bởi các tuyến đường giao thông, các đường ranh giới tự nhiên hoặc nhân tạo khác.

[QCVN 01:2021/BXD, 1.4.10]

3.18

Lô gia (loggia)

Phần sàn có lối ra, nằm phía trong tường bao của ngôi nhà (tham khảo Hình A.31, Phụ lục A).

3.19

Lối ra ngoài trực tiếp (final exit)

Cửa hoặc lối đi qua các vùng an toàn trong nhà (cùng tầng với lối ra ngoài trực tiếp) để dẫn ra ngoài nhà (ra khỏi các tường bao che của nhà) đến khu vực thoáng mà con người có thể di tản an toàn.

[Sửa đổi 01:2023 QCVN 06:2022/BXD, 1.4.33a]

3.20

Lối ra thoát nạn (exit)

Lối hoặc cửa dẫn vào đường thoát nạn, dẫn ra ngoài trực tiếp hoặc dẫn vào vùng an toàn, tầng lánh nạn, gian lánh nạn.

[QCVN 06:2022/BXD, 1.4.33]

3.21

Mật độ xây dựng thuần (net building density)

Tỷ lệ diện tích chiếm đất của nhà trên diện tích thửa đất (không bao gồm diện tích chiếm đất của các công trình ngoài trời như tiểu cảnh trang trí, bể bơi, bãi (sân), nhà để xe, sân thể thao, nhà bảo vệ, lối lên xuống, bộ phận thông gió tầng hầm có mái che và công trình hạ tầng kỹ thuật khác).

CHÚ THÍCH 1: Các bộ phận công trình, chi tiết kiến trúc trang trí như: sê nô, ô văng, mái đua, mái đón, bậc lên xuống, bậu cửa, hành lang cầu đã tuân thủ các quy định về an toàn cháy, an toàn xây dựng không tính vào diện tích chiếm đất nếu bảo đảm không gây cản trở lưu thông của người, phương tiện và không kết hợp các công năng sử dụng khác;

CHÚ THÍCH 2: Diện tích chiếm đất được tính là toàn bộ diện tích của sàn tầng một/trệt (xem 3.7) bao gồm cả phần sân hoặc hiên (có mái che) của tầng một/trệt được chống đỡ bởi cột hoặc tường chịu lực nhưng không bao gồm diện tích phần sân hoặc hiên được che bởi ban công. Trường hợp nhà có tường chung thì tính theo tim tường chung.

3.22

Nhà ở riêng lẻ (single dwelling)

Nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.

3.23

Phòng ở (dwelling room)

Các phòng trong nhà được sử dụng một hoặc nhiều chức năng. Phòng ở gồm phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung, phòng tiếp khách, phòng làm việc/học tập, v.v.

3.24

Số tầng nhà (number of storeys)

Tổng của tất cả các tầng trên mặt đất và tầng nửa/bán hầm nhưng không bao gồm tầng áp mái.

CHÚ THÍCH 1: Tầng tum không tính vào số tầng cao của nhà khi sàn mái tum có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái (xem Hình A.29, Phụ lục A).

CHÚ THÍCH 2: Tầng lửng không tính vào số tầng nhà khi có diện tích sàn không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới, khi nhà có nhiều hơn một tầng lửng thì chỉ có một tầng lửng không tính vào số tầng cao của nhà.

CHÚ THÍCH 3: Đối với nhà có các cao độ mặt đất khác nhau thì số tầng nhà tính theo cao độ mặt đất thấp nhất theo quy hoạch được duyệt.

CHÚ THÍCH 4: Cách xác định số tầng nhà trong một số trường hợp tham khảo Hình A.22 đến Hình A.25, Phụ lục A.

3.25

Tài liệu chuẩn (normative document)

Bao gồm các tài liệu như các tiêu chuẩn (standard), quy định kỹ thuật (technical specifications), quy phạm thực hành (code of practice) và quy chuẩn kỹ thuật (technical regulation) và hướng dẫn kỹ thuật (guidelines, handbook) trong và ngoài nước được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.

[QCVN 06:2022/BXD,1.4.59]

3.26

Tầng áp mái (attic)

Tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường đứng (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5 m.

3.27

Tầng hầm (basement)

Tầng mà quá một nửa chiều cao của nó nằm dưới cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

CHÚ THÍCH: Khi xem xét các yêu cầu về an toàn cháy đối với nhà có cao độ mặt đất xung quanh khác nhau, không xác định tầng hầm dưới cao độ mặt đất theo quy hoạch được duyệt là tầng hầm nếu đường thoát nạn từ tầng đó không di chuyển theo hướng từ dưới lên trên.

[QCVN 06:2022/BXD, 1.4.57]

3.28

Tầng lửng (mezzanine)

Tầng trung gian mà sàn của nó (sàn lửng) nằm giữa sàn của hai tầng có công năng sử dụng chính hoặc nằm giữa mái và sàn của tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới; tầng lửng có diện tích sàn nhỏ hơn diện tích sàn xây dựng của tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới nó.

3.29

Tầng nửa/bán hầm (semi-basement)

Tầng mà một nửa chiều cao của nó nằm trên hoặc ngang cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

[QCVN 06:2022/BXD, 1.4.59]

3.30

Tầng trên mặt đất (upper ground floor)

Tầng mà cao độ sàn của nó cao hơn hoặc bằng cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

[QCVN 06:2022/BXD, 1.4.61]

3.31

Tầng tum (rooftop access storey)

Tầng trên cùng của tòa nhà sử dụng cho các mục đích bao che lồng cầu thang, giếng thang máy, các thiết bị công trình (nếu có) và phục vụ mục đích lên sàn mái và cứu nạn cứu hộ.

3.32

Thiết bị báo cháy cục bộ (local fire alarms device)

Thiết bị tự động phát hiện và cảnh báo cháy bằng âm thanh.

CHÚ THÍCH: Các thiết bị báo cháy cục bộ khi được lắp đặt trong cùng một nhà và công trình phải được liên kết với nhau, bảo đảm tất cả cùng phát tín hiệu báo cháy khi có một thiết bị kích hoạt.

[TCVN 3890:2023, 3.5]

3.33

Thửa đất (parcel of land)

Phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ đo vẽ địa chính hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

3.34

Tổng diện tích sàn (gross floor area)

Tổng diện tích sàn của tất cả các tầng, bao gồm cả các tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng lửng, tầng kỹ thuật, tầng áp mái và tầng tum, tính cả diện tích tường bao.

CHÚ THÍCH: Tầng kỹ thuật sử dụng để bố trí các thiết bị kỹ thuật của nhà.

3.35

Vùng an toàn (safety zone)

Vùng mà trong đó con người được bảo vệ khỏi tác động từ các yếu tố nguy hiểm của đám cháy, hoặc trong đó không có các yếu tố nguy hiểm của đám cháy, hoặc các yếu tố nguy hiểm của đám cháy không vượt quá các giá trị cho phép.

......

Đang cập nhật. Vui lòng tải về để xem chi tiết

Cách để tải tài liệu

1. Nếu bạn ĐÃ CÓ tài khoản: Vui lòng Tải về để xem chi tiết

2. Nếu bạn CHƯA CÓ tài khoản: Vui lòng xem hướng dẫn TẠI ĐÂY 

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ: 0917 267 397

Click vào phần bôi vàng để xem thay đổi chi tiết